Các bạn trong team share cái video này. Dường như nhiều người tỏ ra thích thú với biểu cảm "dễ thương" của em bé. Thế nhưng, mình lại không thấy như vậy. Video này và cái cách nó được lan tỏa cho thấy rằng rất nhiều người lớn cần phải thay đổi để học cách xử lý cảm xúc của con trẻ.
Mô tả qua nội dung của video. Mẹ hỏi em bé rằng: "Ở lớp con khóc thì cô bảo như nào?". Em bé chỉ nói duy nhất 1 từ: "Nínnnnn". Kèm theo đó là hiệu ứng tiếng cười khoái trá mà có lẽ là bố mẹ em bé lồng ghép vào video.
Mình chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của em bé khi bắt chước cô giáo. Em bé chỉ tay 1 ngón vào phía mẹ, mặt nghiêng lên, nhìn xéo với một ánh mắt lạnh lùng và sắc. Có thể phỏng đoán rằng cách cô giáo BẮT trẻ nín là cực kỳ áp đặt, theo kiểu đe dọa khiến trẻ sợ hãi mà phải im lặng. Đây rõ ràng KHÔNG phải là cách mà người lớn nên xử lý mỗi khi trẻ khóc. Mình có thể gọi nó là "b.ạ.o h.à.n.h" tinh thần.
Ở một mức độ nhẹ hơn, không ít lần mỗi khi Bond hoặc Pi khóc, vợ mình cũng tìm cách làm cho chúng nín. Hẳn nhiên bạn ấy không dùng uy quyền hay áp lực mà thông qua lý lẽ thuyết phục. Dẫu vậy, mình vẫn hay hỏi bạn ấy rằng: "Nếu em đang khóc mà có người bảo em nín thì em có nín được không?" Rõ ràng là không thể. Cớ sao chúng ta lại muốn trẻ làm 1 việc mà bản thân chúng ta không thể làm hoặc không muốn làm?
Việc người lớn cố gắng làm trẻ nín chứng tỏ rằng cảm xúc của trẻ chưa được tôn trọng đúng mực. Tất cả chúng ta, dù ở độ tuổi nào, cũng đều cần được lắng nghe, thấu hiểu, và tôn trọng. Khi chúng ta khóc, chúng ta cần ai đó lặng lẽ đến bên vỗ về, lặng im để chúng ta được khóc thoải mái. Chứ chúng ta không cần một người bày trò để chúng ta vui lên, hoặc một người trợn trừng mắt yêu cầu chúng ta phải nín.
Khóc không phải là yếu đuối. Trái lại, người dám khóc mới là người can đảm. Họ không ngần ngại bộc lộ cảm xúc, không sợ hãi hoặc tìm cách trốn chạy nỗi buồn. Họ đủ mạnh để đương đầu với nó. Chính kẻ không khóc được mới là kẻ đáng thương.
Mỗi khi Pi Bond khóc, mình chỉ đơn giản ôm chúng vào lòng và hỏi rằng: "Con buồn đúng không?". Mình vỗ về và để con được khóc thoải mái. Cảm xúc là cảm xúc, không có tốt hay xấu, không có đúng hay sai. Mình tin rằng mọi cảm xúc đều nên được tôn trọng và thấu hiểu.
Cho nên, bất cứ ai tiếp xúc với hai bạn nhỏ nhà mình, đặc biệt là Pi, thì sẽ thấy rằng các con rất dễ dàng bộc lộ cảm xúc của bản thân. Có thể khóc ngon lành, mặc kệ mọi người chê cười rằng "con trai mà lại khóc nhè", không hề ngại nói rằng "con ngại" mỗi khi phải bắt chuyện với người lạ. Và gần đây, điều mình tự hào nhất về Pi là con có thể thấu hiểu và mang lại niềm vui cho một bạn trong lớp, một bạn yếu thế, thường bị cả lớp bắt nạt. Và người duy nhất cho bạn ấy cảm giác an toàn chính là Pi - cậu bé Pi lớp 3 tuyệt vời của mình.
Quay trở lại với video mình nhắc đến ở đầu bài viết. Mình hoàn toàn cảm thông với các cô giáo mầm non rằng họ đang làm một công việc đầy khó khăn. Phải nghe trẻ khóc là không hề dễ dàng, đặc biệt khi bạn có nhiệm vụ trông nom vài chục đứa trẻ một lúc. Việc này đòi hỏi sự nhẫn nại và thấu hiếu. Tiếc thay, cô giáo của em bé (và rất rất nhiều người lớn khác) lại thiếu những khả năng ấy.
Còn lý do vì sao họ thiếu thì cũng không hề khó đoán. Khi còn là những đứa trẻ, chính họ cũng bị ÉP phải nín mỗi khi khóc. Cảm xúc của chính họ cũng từng bị xem nhẹ. Để rồi, sau nhiều năm, nó trở nên chai sạn. Họ đánh mất khả năng thấu cảm đối với người khác. Họ trở thành bản sao của những người đã từng xem nhẹ cảm xúc thời thơ ấu của họ.
TẠM KẾT
Có hai kiểu trẻ con trên thế giới này. Một kiểu mong ước sau này sẽ giống bố mẹ chúng. Kiểu còn lại tự nhủ "sau này mình sẽ không giống bố mẹ mình bây giờ". Nhóm thứ hai đông hơn. Nhưng điều đáng buồn là phần lớn sẽ trở thành chính con người mà chúng không muốn trở thành. Đó là cách mà những tổn thương tâm lý được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong vô thức. Câu hỏi dành cho chúng ta, những người đang làm cha làm mẹ: Bạn có nghĩ rằng con bạn muốn trở thành bản sao của bạn sau này không?
Hãy nhìn lại bản thân và tự trả lời!
Cre: Trần Quang Thiện
Fatties Software © 2022
Fatties Software © 2022