Mặc dù chưa có thống kê chính thức nào, nhưng mình tin rằng nhiều người sẽ đồng tình với nhận định sau. Rằng tất cả những cá nhân xuất sắc, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, đều có chung một đặc điểm. Đó là họ có khả năng tự học và mang tâm thế học tập suốt đời.
Phẩm chất này đã và đang rất quan trọng. Nhưng nó sẽ còn quan trọng hơn nữa trong thời đại ngày nay, khi mà xã hội đang thay đổi quá nhanh dưới tác động của công nghệ. Có lẽ nhiều người sẽ phải giật mình nếu nhìn lại sự biến đổi của thế giới trong những năm vừa qua.
Mới chỉ 20 năm trước, facebook còn chưa xuất hiện, chẳng ai có thể hình dung nổi về những chiếc smartphone với màn hình cảm ứng, và người Việt không hề có khái niệm mua hàng trên mạng. 10 năm trước, liệu ai có thể hình dung nổi A.I. lại tạo nên một cơn bão làm chấn động cả thế giới như ngày nay. Vậy 10 năm nữa thì sao? Mình không biết thế giới khi ấy sẽ thế nào. Nhưng mình dám chắc nó rất khác bây giờ.
Để thích ứng với sự thay đổi liên tục và ngày càng chóng mặt này, chúng ta liên tục phải học tập và cập nhật cái mới. Khả năng tự học và tinh thần học tập suốt đời trở thành phẩm chất sống còn mà bất cứ ai cũng phải có nếu muốn sống sót trong thế kỷ 21 này. Và sứ mệnh của người thầy chính là trang bị cho học sinh phẩm chất ấy. Nhưng bằng cách nào?
Liên tục khuyến khích học sinh đặt ra câu hỏi và tự tìm kiếm câu trả lời. Truyền động lực để trẻ không ngừng học hỏi, mở mang đầu óc, hoàn thiện bản thân. Khởi dậy trí tò mò, dẫn dắt học sinh vào hành trình học tập không ngừng. Nếu người thầy làm được những việc này, chẳng gì có thể ngăn cản học trò tiến lên phía trước và trở thành những người xuất sắc. Thế nhưng đây là một chứ NẾU rất lớn. Bởi nó đòi hỏi người thầy phải có 2 phẩm chất sau:
Thứ nhất, bản thân giáo viên cũng phải có tinh thần học hỏi không ngừng. Mình đã, đang, và sẽ còn nhấn mạnh rất nhiều lần. Rằng bạn không thể cho đi một thứ bạn không có, bạn không thể dạy người khác một việc mà bản thân bạn không làm nổi. Một cái đầu đóng chặt, lười học hỏi, thì chẳng thể truyền cho bất cứ ai tinh thần học hỏi.
Thứ hai, người giáo viên phải biết buông tay và chấp nhận "tôi chẳng là gì cả". Bởi khi học sinh có năng lực tự học, vai trò của giáo viên sẽ trở thành thứ yếu. Trẻ không cần đến bạn khi mà trẻ liên tục tìm kiếm bài học ở khắp mọi nơi. Trẻ không cần đến bạn khi mà tự thân trẻ có thể đặt ra câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời trên mạng. Người thầy phải chấp nhận rằng học trò sẽ sớm không cần đến mình. Rằng mình không phải người quan trọng.
Điều này, thoạt nghe thì có vẻ dễ, nhưng lại khó vô cùng. Vì bản năng tự nhiên của con người là muốn mình được tôn trọng, được làm nhân vật quan trọng không thể thay thế trong thế giới của người khác. Thử hình dung người bạn yêu lại nói với bạn câu này mà xem: "Em yêu anh, nhưng em có thể sống hạnh phúc mà không cần có anh". Mấy ai chịu nổi cảm giác ấy.
Cho nên, vì thiếu năng lực, vì muốn được làm người quan trọng, vì muốn thu học phí của phụ huynh càng lâu càng tốt, nhiều giáo viên vẫn cứ mãi đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời học trò chừng nào còn có thể. Chỉ những người có tâm có tầm nhất mới có thể làm điều người lại. Đó là khiến cho vai trò của bản thân trở nên mờ nhạt trong hành trình học tập của trẻ.
Đối với cá nhân mình, câu nói mình muốn nghe nhất từ học trò có lẽ là: "Cám ơn thầy vì đã hướng dẫn con trong thời gian qua. Sứ mệnh của thầy đã hoàn thành. Từ nay, con xin phép được tự mình bước tiếp mà không có thầy".
NGƯỜI THẦY TỐT SẼ LÀM CHO HỌC TRÒ KHÔNG CẦN ĐẾN MÌNH
Cre: Trần Quang Thiện
Fatties Software © 2022
Fatties Software © 2022